XEM CHI TIẾT BÀI BÁO

Đỗ Hữu Sơn, Võ Đại Hải, Ngô Văn Chính, Nguyễn Đức Kiên (2018). Tăng thu di truyền thực tế của giống Keo tai tượng được chọn lọc so với giống nguyên sản và đại trà tại vùng Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ . Tạp chí Khoa học Lâm nghiệp 1/2018: 36-42.

2018 Nhà xuất bản: Tạp chí Khoa học Lâm nghiệp

Mục tiêu của nghiên cứu nhằm đánh giá mức độ tăng thu di truyền từ nguồn hạt giống ở các vườn giống vô tính, vườn giống hữu tính Keo tai tượng so với hạt nguyên sản và hạt đại trà. Nghiên cứu được tiến hành trên hai khảo nghiệm mở rộng tại vùng Bắc Trung bộ (Đông Hà, Quảng Trị) và Nam Trung bộ (Quy Nhơn, Bình Định) xây dựng tháng 12 năm 2014 với 8 nguồn hạt giống Keo tai tượng từ các vườn giống, rừng giống, xuất xứ nguyên sản và hạt đại trà. Sau 30 đến 32 tháng tuổi, các khảo nghiệm đều có tỷ lệ sống rất cao từ 81,5 – 95,5%, và có sự sai khác rõ rệt về sinh trưởng giữa các lô hạt, trong đó các lô hạt từ vườn giống có sinh trưởng vượt trội. Mặc dù có sự khác biệt về tốc độ sinh trưởng nhưng không có sự khác biệt về thứ tự xếp hạng về sinh trưởng giữa các lô hạt trong hai khảo nghiệm. Lô hạt từ các vườn giống tại Bàu Bàng, Bình Dương và Ba Vì, Hà Nội có sinh trưởng vượt trội với năng suất đạt từ 17 đến 22 m3/ha/năm, vượt từ 10 – 69% so với lô hạt từ xuất xứ nguyên sản và từ 140 – 218% so với hạt đại trà; tiếp theo là các lô hạt xuất xứ nguyên sản từ Papua New Guinea (Balimo và Oriomo) với năng suất đạt từ 10 đến 16 m3/ha/năm; các lô hạt từ các rừng giống chuyển hóa ở Hàm Yên, Tuyên Quang và Long Thành, Đồng Nai và lô hạt đại trà có sinh trưởng kém nhất với năng suất chỉ đạt từ 6,7 đến 7,5 m3/ha/năm. Kết quả nghiên cứu khẳng định lợi ích khi sử dụng hạt giống được cải thiện từ các vườn giống được công nhận trong trồng rừng.

BÀI BÁO KHÁC