HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ

Hội thảo về chiến lược cải thiện giống keo và bạch đàn ở Việt Nam

29-10-2022

 

Ngày 28/10/2022, Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ Sinh học Lâm nghiệp đã tổ chức hội thảo “Đánh giá kết quả nghiên cứu cải thiện giống giai đoạn 2019 – 2022 và định hướng giai đoạn 2023 – 2025”. Tham dự hội thảo có TS. Chris Harwood (chuyên gia về di truyền chọn giống của CSIRO),  GS.TS. Rod Griffin (chuyên gia về di truyền chọn giống của đại học Tasmania) và các nhà khoa học đầu ngành về chọn giống của Việt Nam gồm GS.TS. Lê Đình Khả, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Nghĩa, TS. Hà Huy Thịnh và PGS.TS. Phí Hồng Hải, các chuyên gia về sâu bệnh hại cây rừng thuộc Trung tâm Nghiên cứu bảo vệ rừng và toàn thể cán bộ Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp. Hội thảo đã thảo luận các vấn đề liên quan đến nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống keo và bạch đàn vào sản xuất.

Trong thời gian từ 2019-2022, công tác nghiên cứu giống đối với các loài keo và bạch đàn tại Viện tiếp tục đạt được nhiều thành tựu, nổi bật là đã chọn tạo và công nhận được 4 giống Keo lai tam bội, 10 giống Keo lai nhị bội và 3 giống Keo lá tràm có năng suất cao và chất lượng tốt, ngoài ra đã công nhận mở rộng vùng trồng cho nhiều giống keo và bạch đàn đã chọn tạo ở các giai đoạn trước. Bên cạnh các nghiên cứu chọn tạo giống truyền thống, Viện tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu chọn tạo giống keo lai tam bội, ứng dụng chỉ thị phân tử và công nghệ chuyển gen nhằm rút ngắn chương trình chọn tạo giống đối với keo và bạch đàn. Bên cạnh đó, hội thảo cũng nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại của công tác giống ở Việt Nam.

Một số hình ảnh tại Hội thảo

Hội thảo cũng đưa ra những định hướng cho giai đoạn 2023 – 2025, nhằm phát huy các kết quả đã đạt được đồng thời khắc phục những hạn chế, cụ thể là:

- Về nghiên cứu:

o Cần tiếp tục đẩy mạnh các nghiên cứu chọn tạo giống theo hướng kết hợp giữa chọn giống truyền thống và ứng dụng các tiến bộ công nghệ sinh học để rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả chọn lọc. Các nghiên cứu chọn giống bên cạnh nâng cao năng suất và chất lượng gỗ cần chú trọng thêm nữa về chọn giống chống chịu sâu bệnh hại, đặc biệt là bệnh chết héo do nấm Ceratocystis ở keo và bệnh cháy lá ở bạch đàn.

o Nhằm đưa nhanh các kết quả nghiên cứu vào sản xuất, đặc biệt là với các đối tượng hộ trồng rừng quy mô nhỏ: cần đẩy mạnh xây dựng các mô hình trình diễn, khảo nghiệm giống ở các hộ/nhóm hộ gia đình (on-farm trials) để người dân nhận thức được hiệu quả và tiếp cận được với các giống mới.

- Về định hướng phát triển giống vào sản xuất: Cần đẩy mạnh công tác thông tin, quảng bá giống mới thông qua các mô hình trình diễn trên nhiều vùng, qua các phương tiện truyền thông. Đẩy mạnh cung cấp giống gốc của các giống được công nhận với giá thành hạ cho các vườn ươm để người dân tiếp cận được với các giống mới. Đặc biệt, do nguồn cung cấp hạt giống các xuất xứ Keo tai tượng từ Úc đã bị cạn kiệt và không thể nhập khẩu nên trong thời gian tới cần đẩy mạnh hoạt động sản xuất và cung cấp hạt giống Keo tai tượng từ các vườn giống đã được công nhận ở trong nước để thay thế giống nhập khẩu. Kết quả nghiên cứu từ khảo nghiệm giống cho thấy năng suất của rừng trồng từ hạt giống thu hái trong các vườn giống là cao hơn ít nhất là 10% so với giống nhập khẩu do đó hoàn toàn có thể thay thế giống nhập khẩu. Về vấn đề này, GS. Lê Đình Khả, TS. Chris Harwood và GS. Rod Griffin là những nhà khoa học hàng đầu về nghiên cứu chọn tạo giống đã viết bức thư ngỏ gửi các nhà trồng rừng ở Việt Nam khuyến nghị sử dụng giống được cải thiện từ các vườn giống trong nước thay cho giống nhập khẩu.

Thư ngỏ của GS. Lê Đình Khả, TS. Chris Harwood và GS. Rod Griffin gửi các nhà trồng rừng ở Việt Nam khuyến nghị sử dụng giống được cải thiện từ các vườn giống trong nước thay cho giống nhập khẩu