HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ

Giống bạch đàn sinh trưởng nhanh cho vùng cao Tây Bắc

13-11-2023

Vùng Tây Bắc là địa bàn chiến lược, có nhiều tiềm năng về đất đai và tài nguyên rừng. Đây là vùng có lợi thế về phát triển lâm nghiệp, đặc biệt có nhiều tiềm năng trồng rừng cung cấp gỗ lớn tuy nhiên chưa có giống phù hợp. Giai đoạn 2019 - 2023, trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu chọn giống Bạch đàn để trồng rừng gỗ lớn cho vùng cao Tây Bắc” (chủ nhiệm đề tài: TS. Đỗ Hữu Sơn), Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp đã xây dựng được các khảo nghiệm dòng vô tính các giống Bạch đàn lai tại Sơn La, Điện Biên và Lai Châu. Kết quả đã chọn lọc được một số giống Bạch đàn rất triển vọng.

Tại Thuận Châu, Sơn La có 6 dòng Bạch đàn lai sinh trưởng nhanh gồm UP434, UP435, UG123, Z9, UG111 và UP72 với năng suất đạt từ 22,6 đến 28,7 m3/ha/năm và đều có chiều cao dưới cành cao hơn 2/3 so với chiều cao vút ngọn, cá biệt có những cây đạt đường kính gần 20 cm sau 39 tháng.

Bạch đàn lai dòng UG123 trong khảo nghiệm ở Thuận Châu, Sơn La (39 tháng tuổi)

Bạch đàn lai dòng UP435 trong khảo nghiệm ở Thuận Châu, Sơn La (39 tháng tuổi)

Hội đồng đánh giá công nhận giống của Bộ NN và PTNT và Viện KHLN Việt Nam đi kiểm tra hiện trường tại Chiềng Bôm, Thuận Châu, Sơn La

Tại Mường Ảng, Điện Biên có 5 dòng gồm UG113, UP164, UG107, UG131 và UP99 với năng suất đạt từ 20,1 đến 26,9 m3/ha/năm và đều có chiều cao dưới cành cao hơn 2/3 so với chiều cao vút ngọn.

Tại Tam Đường, Lai Châu, đánh giá khảo nghiệm đã xác định được 2 dòng gồm UP72 và UG113 với năng suất đạt từ 21 đến 28,6 m3/ha/năm và đều có chiều cao dưới cành cao hơn 2/3 so với chiều cao vút ngọn.

Với những kết quả đã đạt được, Viện hi vọng trong thời gian tới, sẽ chọn tạo, công nhận được thêm nhiều giống tốt để phát triển vào sản xuất cho vùng cao Tây Bắc.

Đoàn công tác đi kiểm tra hiện trường tại Tam Đường, Lai Châu