Dự án “Phát triển giống cây lấy gỗ phục vụ trồng rừng kinh tế” do Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp triển khai thuộc dự án trọng điểm về phát triển giống cây lâm nghiệp phục vụ trồng rừng kinh tế trong cả nước.
Từ năm 2011 đến nay, thông qua nguồn kinh phí của dự án và một phần đối ứng của các cơ sở tiếp nhận chuyển giao; Viện đã tiến hành đào tạo, tập huấn và chuyển giao công nghệ nhân giống bằng nuôi cấy mô các giống keo, bạch đàn đã được công nhận cho 11 cơ sở sản xuất và nghiên cứu trên cả nước.
Với phương châm đào tạo để các cơ sở sản xuất có thể làm chủ được công nghệ, sản xuất được cây giống cung cấp cho thị trường nên hoạt động chuyển giao công nghệ của dự án được Viện tiến hành nghiêm túc. Các cơ sở được lựa chọn chuyển giao công nghệ là những cơ sở có khả năng tiếp nhận và sản xuất quy mô lớn, trên 1 triệu cây/năm.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp cho biết: Song song với công tác đào tạo, tập huấn, chuyển giao giống, kỹ thuật nhân giống bằng nuôi cấy mô cho các cơ sở sản xuất, dự án cũng đã tiến hành cung cấp cây giống gốc được trẻ hóa bằng nuôi cấy mô cho các vườn ươm trên khắp cả nước để làm vườn cây đầu dòng cung cấp hom cho trồng rừng.
Cây giống gốc do Viện sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt, được trẻ hóa mức độ cao nên giá thành khá đắt, tuy nhiên nhờ có dự án giống hỗ trợ 50% kinh phí nên các cơ sở sản xuất đã tiếp cận được với nguồn giống này để làm vườn cây đầu dòng cung cấp hom.
Từ năm 2011 đến nay, dự án đã sản xuất được hơn 900.000 cây giống gốc của các giống keo lai, keo lá tràm và bạch đàn lai cung cấp cho các cơ sở nhân giống hom ở các tỉnh vùng Đông Bắc Bộ và Nam Trung Bộ.
Từ nguồn giống gốc này, các cơ sở đã sản xuất được trên 40 triệu cây hom/năm. Rừng trồng từ cây hom sản xuất từ cây giống gốc có sinh trưởng tốt, thân thẳng, cành nhánh nhỏ, ít bị sâu bệnh, được người dân ưa chuộng để trồng rừng.
Hình ảnh chuyển giao công nghệ nhân giống bằng nuôi cấy mô tại Viện Nghiên cứu Giống & CNSH Lâm nghiệp
Mô hình rừng trồng Keo lai nhân giống bằng nuôi cấy mô
Từ các vườn giống này, hàng năm có thể cung cấp được trên 400kg hạt giống các loại, đáp ứng một phần nhu cầu giống cho trồng rừng ở các địa phương. Hiện nhiều cơ sở sản xuất đã chuyển sang sử dụng hạt giống keo tai tượng từ các vườn giống thay thế cho hạt giống nhập khẩu từ Úc.
Theo TS Nguyễn Đức Kiên, dự án đã hỗ trợ Viện đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu, chuyển giao và sản xuất giống như: Xây dựng và bổ sung trang thiết bị cho nhà tác nghiệp và xưởng nuôi cấy mô cây lâm nghiệp tại trạm Đá Chông và trạm Cẩm Quỳ, với tổng diện tích hơn 1.500m2. Qua đó, đã nâng công suất nhà nuôi cấy mô từ 200.000 cây/năm lên 1,5 triệu cây/năm, đáp ứng một phần nhu cầu giống gốc cho các địa phương.
Tiếp đến là nâng cấp, cải tạo 1.500m2 vườn ươm và bổ sung trang thiết bị phòng nuôi cấy mô, sinh học phân tử và sinh học hạt giống như các nồi hấp tiệt trùng, box cấy, kho lạnh, máy PCR phục vụ công tác nghiên cứu, sản xuất, lưu trữ và trẻ hóa giống gốc tại văn phòng Viện ở Hà Nội.
Từ năm 2010 đến nay, dự án đã xây dựng được 72ha vườn giống các loài keo, bạch đàn và thông caribe. Các vườn giống đều được chăm sóc, quản lý và bảo vệ tốt, một số vườn được tỉa thưa di truyền và hơn 30 ha đã được công nhận là vườn giống quốc gia, bước đầu cung cấp hạt để phục vụ trồng rừng kinh tế tại các địa phương.
Thông qua dự án giống, Viện cũng đã xây dựng được hệ thống kho hạt đạt tiêu chuẩn, thường xuyên lưu trữ gần 4.000 lô hạt cây trội và hơn 500kg hạt giống từ các vườn giống để cung cấp cho các địa phương trồng rừng...
Nguồn: Nguyên Huân (https://m.nongnghiep.vn/thanh-qua-10-nam-de-an-giong-bai-6--phat-trien-giong-cay-lay-go-moc-nhanh-post243581.html)