HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ

Hội thảo “Khoa học công nghệ chuyên ngành lâm nghiệp”

05-09-2018

Ngày 05/9/2018, tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, được sự đồng ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam phối hợp với Vụ KHCN&MT đã tổ chức Hội thảo “Khoa học công nghệ chuyên ngành lâm nghiệp” nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được, những tồn tại hạn chế trong giai đoạn 2013 - 2018 từ đó xây dựng định hướng và giải pháp cho giai đoạn 2019 - 2025, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất Lâm nghiệp ở nước ta.

Tham dự và điều hành Hội thảo có TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và GS.TS. Võ Đại Hải - Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam. Tham dự hội thảo còn có hơn 120 đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học đến từ các cơ quan quản lý (Vụ KHCN&MT, Tổng Cục Lâm nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ), các cơ quan nghiên cứu và giảng dạy (Viện Khoa học Lâm nghiệp VN, Trường Đại học Lâm nghiệp, Hội khoa học kỹ thuật lâm nghiệp VN, Viện Điều tra quy hoạch rừng, Viện NC cây nguyên liệu giấy), Tổng công ty giấy Việt Nam, Sở NN&PTNT Tuyên Quang và Sở NN&PTNT Phú Thọ cùng các các cơ quan thông tấn báo chí.

Hội thảo đã nêu rõ trong những năm qua, công tác nghiên cứu giống cây rừng đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, có tới 110 giống cây lâm nghiệp (Keo, bạch đàn, mắc ca, Sa nhân tím, Tràm…) được công nhận là giống quốc gia và giống tiến bộ kỹ thuật. Nghiên cứu nhân giống bằng giâm hom và nuôi cấy mô cũng đã có những bước tiến vượt bậc, một số đơn vị trong ngành như Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Lâm nghiệp đã và đang ứng dụng mạnh mẽ công nghệ sinh học trong chọn giống bằng các chỉ thị phân tử, kiểm định giống, rút ngắn thời gian chọn giống cho keo và bạch đàn; tạo được một số dòng tam bội keo có sinh trưởng vượt trội so với giống nhị bội, tỷ trọng gỗ cao, sợi gỗ dài hơn và bước đầu đã trồng thử nghiên tại hiện trường. Đến nay, hầu như các giống keo và bạch đàn đã được sản xuất đại trà, qua đó đã góp phần nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng (có nơi năng suất đạt trên 40 m3/ha/năm).

Trong sự kiện này, Hội nghị chuyên đề Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp tổ chức tại Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp đã lắng nghe và thảo luận về các báo cáo:

- Nghiên cứu cải thiện giống nhằm tăng năng suất, chất lượng cho một số loài cây trồng rừng chủ lực (TS. Hà Huy Thịnh trình bày)

- Chọn giống Keo lá tràm kháng bệnh chết héo do nấm Ceratocystis sp (GS.TS. Phạm Quang Thu trình bày)

- Sinh trưởng của giống bạch đàn lai mới UG24, UG54, CU82, CU98 tại Nghĩa Phương, Lục Nam, Bắc Giang (TS. Nguyễn Việt Cường trình bày)

- Nghiên cứu chọn giống và nhân giống cho Keo lá liềm và Keo tai tượng phục vụ trồng rừng kinh tế (TS. Phí Hồng Hải trình bày)

- Một số kết quả bước đầu trong nghiên cứu chọn tạo giống Keo tam bội cho 2 loài: Keo tai tượng và Keo lá tràm (TS. Nghiêm Quỳnh Chi trình bày)

- Khảo nghiệm giống và đánh giá khả năng phát triển cây Mắc ca ở Việt Nam (TS. Nguyễn Đức Kiên trình bày)

Hội nghị cũng đã đưa ra một số định hướng nghiên cứu trong giai đoạn từ 2019 - 2025 như sau: nghiên cứu chọn, tạo và nhân giống cho năng suất, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nguyên liệu chế biến và xuất khẩu; nghiên cứu chọn tạo được giống kháng bệnh, chịu hạn, chịu phèn, chịu mặn, cây lâm sản ngoài gỗ phục vụ trồng rừng sản xuất và phòng hộ cho các tiểu vùng sinh thái. Ưu tiên ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn, tạo giống bằng chỉ thị phân tử; nghiên cứu chuyển gen; lai giống; tạo giống đa bội cho nhóm loài cây trồng rừng chủ lực keo, bạch đàn, cây bản địa là một số cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị.