Trong hai ngày 9 - 10/4 năm 2018, Viện nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp phối hợp với CSIRO và trường Đại học Tasmania tổ chức rà soát lại chiến lược nghiên cứu cải thiện giống các loài keo ở Việt Nam trong bối cảnh mới. Hội thảo gồm hơn 20 đại biểu tham dự là các cán bộ nghiên cứu của Viện nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp, các cán bộ khoa học trong các lĩnh vực sâu bệnh hại rừng, lâm sinh, giống ở một số đơn vị trực thuộc Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, GS. Rod Griffin và Jane Harbard của trường đại học Tasmania, TS. Chris Harwood và Jeremy Brawner của CSIRO.
Trong hai ngày hội thảo đã có 8 báo cáo được trình bày về các vấn đề liên quan đến nghiên cứu cải thiện giống và phát triển giống vào sản xuất, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về các vấn đề nêu ra. Có thể nói trong thời gian vừa qua, công tác nghiên cứu giống các loài keo đã đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc với hơn 100 giống (dòng vô tính, gia đình cây trội) và hơn 30 vườn giống đã đươc công nhận góp phần rất lớn để nâng cao năng suất rừng trồng keo ở Việt Nam. Bên cạnh đó có nhiều giống rất có triển vọng như các giống Keo lai nhị bội, Keo lai đa bội cũng đã được nghiên cứu và sẽ được công nhận trong thời gian tới. Bên cạnh đó hội thảo cũng nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại của công tác giống. Trên cơ sở đó, hội thảo đã đưa ra một số định hướng trong nghiên cứu cải thiện giống keo trong thời gian tới như sau:
▪ Cần thiết phải bảo tồn và bổ sung nguồn giống mới để duy trì đa dạng di truyền của tập đoàn giống các loài keo trồng rừng chủ lực ở nước ta hiện nay (Keo tai tượng, Keo lá tràm, Keo lai và Keo lá liềm)
▪ Các tính trạng chính gồm khả năng sinh trưởng, khả năng chống chịu sâu bệnh hại và tính chất gỗ cho các mục tiêu sử dụng gỗ khác nhau cần được quan tâm đầy đủ trong chương trình chọn tạo giống.
▪ Cần có sự kết hợp giữa chọn giống truyền thống với các phương pháp chọn giống hiện đại như chọn giống bằng chỉ thị phân tử, chọn giống đa bội, lai giống nhân tạo
▪ Song song với công tác nghiên cứu chọn tạo giống mới thì việc phát triển giống mới vào sản xuất cần được ưu tiên đẩy mạnh, đặc biệt là các giống Keo lai và Keo lá tràm mới và hạt giống Keo tai tượng từ các vườn giống được công nhận.
Trên cơ sở kết quả hội thảo, Viện nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học sẽ tiếp tục xây dựng chiến lược nghiên cứu và triển khai công tác chọn tạo giống keo trong giai đoạn tới nhằm mục đích chọn tạo thêm các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt để phát triển vào sản xuất.