Chọn tạo giống tam bội là một hướng đi mới nhằm có được những giống có năng suất và chất lượng cao. Từ năm 2003, Viện nghiên cứu giống và công nghệ sinh học lâm nghiệp đã hợp tác với Đại học Tasmania để nghiên cứu tạo giống Keo đa bội trong khuôn khổ dự án ACIAR (FST 2003/002 và FST 2008/007). Từ năm 2015, Viện đã tiến hành khảo nghiệm các giống Keo lai tam bội ở nhiều vùng sinh thái khác nhau trong khuôn khổ đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu chọn tạo giống Keo tam bội sinh trưởng nhanh phục vụ trồng rừng gỗ lớn” (2014- 2019) thuộc Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực Nông nghiệp và PTNT đến năm 2020.
Kết quả khảo nghiệm dòng vô tính trên 3 vùng khí hậu đặc trưng Bắc – Trung – Nam ở Việt Nam cho thấy trong số 15 dòng keo 3x được đánh giá ở giai đoạn 3 năm tuổi thì đã có 4 dòng là X101, X102, X201 và X205 có năng suất cao ở tối thiểu 2 trong số 3 điểm khảo nghiệm. Keo lai tam bội X101 có năng suất đạt từ 30,6 – 38,7 m3/ha/năm (Đồng Nai) và 24,9 – 25,8 m3/ha/năm (Bắc Giang). Với Keo lai tam bội X201 năng suất có thể đạt 30,8 – 37,6 m3/ha/năm (Đồng Nai), hoặc từ 22,9 – 26,8 m3/ha/năm (Bắc Giang) và 15,8 – 25,5 m3/ha/năm (Quảng Trị). Tại Đồng Nai, năng suất dòng Keo lai tam bội X102 bình quân đạt 28,6 – 31,9 m3/ha/năm, tại Bắc Giang đạt 26,5 m3/ha/năm và tại Quảng Trị là 22,7 m3/ha/năm. Keo lai tam bội X205 có năng suất trung bình 19,8 – 28,6 m3/ha/năm tại Quảng Trị. Các dòng này đều có sinh trưởng nhanh, thân thẳng, cành nhánh nhỏ, có khả năng chống chịu sâu bệnh, chất lượng gỗ tốt, có năng suất tương đương hoặc vượt (> 15%) và có hình thân tốt so với các giống được sử dụng làm đối chứng ở từng điểm khảo nghiệm, bao gồm các giống đã được công nhận như BV10, BV16, BV73, TB12 và AH7.
Ngày 20 tháng 4 năm 2020, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã ký Quyết định số 1458/QĐ-BNN-TCLN về việc Công nhận giống cây trồng Lâm nghiệp đối với các giống Keo lai tam bội X101, X102, X201, X205. Đây là thành quả to lớn của tập thể cán bộ Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp cùng với sự đóng góp, xây dựng nền móng từ GS. TS Lê Đình Khả, TS. Hà Huy Thịnh và các nhà khoa học Australia tiêu biểu là GS. Rod Griffin, TS. Chris Harwood, Bà Jane Harbard, thuộc Trường đại học tổng hợp Tasmania và tổ chức CSIRO.
Mô hình 3 năm tuổi tại Bắc Giang